Bạch chỉ

  • Tên khác: Vị thuốc Bạch Chỉ còn gọi Bách chiểu, Chỉ hương, Cửu lý trúc căn, Đỗ nhược, Hòe hoàn, Lan hòe, Linh chỉ, Ly hiêu, Phương hương (Bản Kinh), Thần hiêu (Hòa Hán Dược Khảo), Bạch cự (Biệt Lục), Phù ly, Trạch phần (Ngô Phổ Bản Thảo), An Bạch Chỉ, Hàng Bạch Chỉ, Vân nam ngưu phòng phong, Xuyên Bạch Chỉ (Trung Dược Đại Từ Điển), Hưng an Bạch Chỉ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Hàng Bạch Chỉ, Hương Bạch Chỉ, Xuyên Bạch Chỉ (Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Tên khoa học: Angelica Dahurica Benth. Et Hook. F.
  • Họ: Bạch Chỉ thuộc họ Apiaceae, Hoa Tán
Category:

Mô tả thực vật:

  • Cây Bạch Chỉ là một cây thuốc quý, dạng cây thân thảo, sống lâu năm, cao 1-1,5 m.
  • Thân rỗng, đường kính có thể đến 2-3cm. Mặt ngoài mầu tím hồng, phía dưới nhẵn, phía trên gần cụm hoa có lông ngắn.
  • Rễ phình thành củ dài, mọc thẳng, đôi khi phân nhánh.
  • Lá tọt có cuống dài, phát triển thành bẹ rộng, ôm lấy thân, phiến lá xẻ 2-3 lần, hình lông chim. Thùy hình trứng dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa. 2 mặt lá không lông trừ đường gân ở mặt trên lá có lông tơ.
  • Cụm hoa là 1 tán kép, mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, có cuống chung dài 4-8cm, cuống tán dài 1cm. Hoa mầu trắng, mẫu 5. Quả bế đôi dẹt, hình bầu dục hoặc hơi tròn, dài khoảng 6mm.
  • Rễ, thân, lá, có tinh dầu thơm.
  • Mùa hoa quả: tháng 5-7.

Phân biệt Bạch Chỉ

Phân biệt với cây xuân Bạch Chỉ (Angelica anomala Lallem) cùng họ với cây trên, đó là cây cao 2-3m. Lá 3 lần sẻ lông chim. Lá chét có cuống dài khoảng 3cm. Những điểm khác đều giống loài ở trên.

Mô tả dược liệu:

Rễ Bạch Chỉ (Angelica dahurica Benth et Hook.) hình trụ, đầu trên hơi vuông mang vết tích của cổ rễ, đầu dưới nhỏ dần. Mặt ngoài màu vàng hay nâu nhạt có nhiều lớp nhăn dọc nhiều lỗ vỏ lồi lên nằm ngang xếp thành 4 hàng dọc. Bẻ ngang cứng, mặt bẻ không sơ. Mặt cắt ngang có lớp bần mỏng, mô mềm vỏ màu trắng ngà, có nhiều bột, phía ngoài xốp hoặc có nhiều điểm nhỏ màu nâu (ống tiết) tầng sinh gỗ hình vuông. Gỗ chiếm trên 1/2 đường bán kính. Mùi thơm hơi hắc, vị hơi cay gọi là Hàng Bạch Chỉ.

Rễ Bạch Chỉ (Angelica anomala Lallem) cũng hình trụ mặt ngoài màu vàng nâu hay nhạt, có lỗ vỏ lồi lên nằm ngang. Bẻ ngang cứng, mặt bẻ không sơ. Mặt ngang có lớp bần mỏng, mô mềm màu vỏ trắng tro, có nhiều tính bột phía ngoài có nhiều điểm nhỏ màu nâu (ống tiết), tầng sinh gỗ hình vòng tròn, gỗ chiếm trên 1/3 đường bán kính. Mùi hơi hắc, vị hơi cay gọi là Xuyên Bạch Chỉ.

Thu hái, sơ chế:

Lá úa vàng lúc mùa thu, đào rễ, bỏ thân và rễ con, rửa sạch đốt cho vào vại có vôi, đậy kín một tuần mới lấy ra phơi khô, có nơi phơi ngay nếu mưa thì sấy trong lò sau đó thì cạo bỏ vỏ mỏng ngoài Hoặc có nơi phơi hoặc sấy nhẹ đến khô, hoặc cho vào lò xông Lưu hoàng một ngày đêm cho thật chín mềm (cứ 100kg Bạch Chỉ tươi thì dùng 0,800kg Lưu hoàng) cho tới độ ẩm dưới 13% thì Bạch Chỉ mới trắng, những lần sấy sau Lưu hoàngít hơn, cứ 100kg Bạch Chỉ thì cần Lưu hoàng đốt làm 2 lần.

Bào chế Bạch Chỉ

  • Hái Bạch Chỉ về, cạo sạch vỏ, thái nhỏ, lấy Hoàng tinh (số lượng bằng nhau), cho vào nồi, đồ 1 lúc, lấy Bạch Chỉ ra, phơi khô, dùng. Hoặc hái về, rửa sạch, cắt ra từng khúc, trộn với vôi, phơi khô. Khi dùng cho vào thuốc thì sao qua. có thể sao cháy hoặc tẩm giấm, sao (Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Rửa qua cho sạch, ủ 3 giờ cho mềm. Thái nhỏ, phơi trong râm cho khô. Không sao tẩm gì (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược – Việt Nam).

Rễ củ thu hái lúc trời khô ráo, trước lúc mưa to kéo dài. Đào rễ và cắt cho bằng đầu, tránh làm sây sát vỏ và gẫy rễ. Không thu hái ở cây đã kết hạt. Loại bỏ rễ con, rửa nhanh sau đó sấy Lưu huỳnhrồi phơi ở nhiệt độ 40-50o (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

Thành phần hóa học của Bạch Chỉ

  • Trong Bạch Chỉ chứa tinh dầu và các dẫn chất Curamin là:Byak-Angelicin, Byak Angelicol, Oxypeucedanin, Imperatorin, Isoimperatorin, Phelloterin, Xanthotoxin, Anhydro Byakangelicin (Iso Byakangelicol), Neobyak Angelicol. Ngoài ra còn có Marmezin và Scopetin (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
  • Byak-Angelicin, Byak Angelicol, Oxypeucedanin, Imperatorin, Isoimperatorin, Phelloterin, Angelic Acid, Angelicotoxin, Xanthotoxin, Marmesin, Scopolotin, Isobyakangelicol, Neobyakangelicol (Trung Dược Học).
  • Isoimperatorin, Alloisoimperatorin, Alloimperatorin, Oxypeucedanin, Oxypeucedanin hydrate, Byakangelicin, Byakangelicol, Neobyakangelicol, Phellopterin, Xanthotoxol, Bergapten, 5-Methoxyl-8-Hydroxypsoralen, Cnidilin, Pabulenol (Okuyama T. Chem Pharm Bull, 1990, 38 (4): 1084).
  • Sitosterol, Palmitic acid (Đái Phu Tiến, Hóa Tây Dược Học Tạp Chí 1990, 38 (4): 1084).

Tác dụng dược lý của Bạch Chỉ

  1. Tác dụng kháng khuẩn:
  • Trong thí nghiệm, Bạch Chỉ có tác dụng kháng khuẩn đối với các loại Shigella và Salmonella (Trung Dược Học).
  • Bằng phương phápkhuyếch tán trên môi trường nuôi cấy vi khuẩn, nước sắc và cao chiết từ Bạch Chỉ có tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng phế cầu (Diplococcus Pneumoniae), liên cầu (Streptococus Hemoleticus), tụ cầu vàng (Staphylococus Aureus), Bacillus Subtilis, Shigella Sonnei, Shigella Flexneri, Shigella Shiga, Shigella Dysenteriae, Enterococus, Vibrio Cholerae và Bacillus Typhi. Ngoài ra, Bạch Chỉ còn có tác dụng kháng Virus (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
  1. Tác dụng giảm đau:

Trên mô hình gây quặn đau bằng cách tiêm xoang bụng dung dịch Acid Acetic 6%o cho chuột nhắt trắng, Bạch Chỉ với liều lượng 10g/kg, có tác dụng giảm đau rõ rệt (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

  1. Giảm đau: Làm giảm đau đầu do cảm cúm, đau đầu sau đẻ, đau lợi răng, đau thần kinh mặt (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
  2. Tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh: Với liều nhỏ Angelicotoxin có tác dụng hưng phấn trung khu vận động huyết quản, trung khu hô hấp và dây thần kinh phế vị làm cho huyết áp tăng, mạch chậm, hơi thở kéo dài, chảy nước dăi và nôn mửa. Với liều lớn dẫn tới co giặt và tê liệt toàn thân (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
  3. Tác dụng kháng khuẩn: ức chế trực khuẩn ly, thương hàn, vi khuẩn G +(Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
  4. Kháng khuẩn lao: Đối với vi khuẩn lao ở người thuốc có tác dựng ức chế rõ rệt (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  5. Dùng trong nhãn khoa: Loại Pommade làm từ Bạch Chỉ có tác dụng tăng khả năng trị liệu và tránh được loét giác mạc do bỏng ánh sáng gây ra (Trung Dược Học).
  6. Tác dụng chống viêm: Với mô hình gây viêm thực nghiệm bằng Kaolin trên chuột cống trắng, Bạch Chỉ với liều lượng 10g/kg có tác dụng chống viêm. Angelicotoxin, một hoạt chất chiết từ Bạch Chỉ, dùng với liều nhỏ, có tác dụng kích thích trung khu vận mạch, tủy sống, gây tăng huyết áp, mạch chậm, hô hấp hưng phấn, các phản xạ được tăng cường, ngoài ra việc kích thích tiết nước bọt. Dùng với liều quá lớn gây co giật và cuối cùng dãn đến tê liệt (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
  7. Dùng trong tai mũi họng: Bột làm từ Bạch Chỉ và Băng phiến, hít vào lỗ mũi, có tác dụng trị đầu đau, trị răng đau, thần kinh sinh ba đau (Trung Dược Học).
  8. Độc tính của Angelicotoxin giống như chất Xicutoxin nhưng không mạnh bằng (Những Cây Thuốc Và Vị ThuốcViệt Nam).

Vị thuốc Bạch Chỉ

Tính vị, quy kinh của Bạch Chỉ

  • Vị cay, hơi ngọt, tính ấm (Trấn Nam Bản Thảo).
  • Vị cay, mùi hôi, hơi có độc (Dược Vật Đồ Khảo).
  • Vị cay, tính ấm, vào kinh Bàng quang (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
  • Vị cay, tính ấm. Vào kinh Phế, Tỳ, Vị (Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Vị cay, tính ấm, vào kinh Phế, Vị và Đại trường (Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Vào kinh Vị, Đại trường, Phế (Trân Châu Nang).
  • Vào kinh Phế, Tỳ, Vị (Lôi Công Bào Chích Luận).
  • Vào kinh Can, Vị, Đại trường (Bản Thảo Kinh Giải).

Tác dụng, chủ trị của Bạch Chỉ

  • Trị phụ nữ bị lậu hạ, xích đới, huyết bế, âm đạo sưng, nóng lạnh, đầu phong, chảy nước mắt, cơ nhục sưng (Bản Kinh).
  • Trị phong tà, nôn mửa, hông sườn dầy, đầu đau, khát lâu ngày, chóng mặt, mắt ngứa (Biệt Lục).
  • Trị xoang mũi, mũi chảy máu, răng đau, xương chân mày đau, bón, tiểu ra máu, huyền vận, giải độc do rắn cắn, vết thương đâm chém (Bản Thảo Cương Mục).
  • Trừ phong tà, làm sáng mắt, cầm nước mắt, trừ mủ. Trị ngực bụng đau như kim đâm, phụ nữ bị băng huyết, tiểu ra máu, lưng đau, bụng đau, ói nghịch (Dược Tính Luận).
  • Bổ thai lậu, hoạt lạc, phá huyết xấu, bổ huyết mới, bài nùng, chỉ thống, sinh cơ.Trị mắt đỏ, mắt có mộng, vú sưng đau, phát bối, loa lịch (lao hạch), trường phong, trĩ lậu, mụn nhọt, lở ngứa (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
  • Trị da ngứa do phong, Vị bị lạnh, bụng đau do lạnh, cơ thể đau do phong thấp (Trấn Nam Bản Thảo).
  • Tán hàn, giải biểu, khư phong, táo thấp, chỉ thống, giải độc. Trị đầu đau, răng đau, vùng trước trán và lông mi đau, tỵ uyên (xoang mũi viêm), xích bạch đới, mụn nhọt, ghẻ lở, ngứa ngoài da, rắn cắn, bỏng do nóng (Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Táo thấp, trừ phong hàn, hoạt huyết, tiêu mủ, sinh da non, giảm đau. Trị phong thấp thuộc kinh dương minh, ung nhọt (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Liều dùng: 4-8g.

Tham khảo

Kiêng kỵ khi dùng Bạch Chỉ – KHÔNG dùng Bạch Chỉ cho các trường hợp sau:

  • Nôn mửa do hỏa
  • Lậu hạ, xích bạch đới, âm hư hỏa kết, huyết nhiệt (Bản Thảo Kinh Sơ).
  • Nhức đầu do huyết hư, hỏa vượng, đinh nhọt hoặc mụn nhọt chưa vỡ miệng, người âm hư hỏa uất (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
  • Âm hư, huyết nhiệt: (Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Âm hư hỏa vượng: (Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Đầu đau do huyết hư, ung ngọt đã vỡ mủ: (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  • Đau đầu do huyết hư, ung nhọt đă vỡ mủ (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  • Kỵ Tuyền phúc hoa (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
  • Ức chế Hùng hoàng, Lưu hoàng (Bản Thảo Cương Mục).
  • Bạch Chỉ làm tổn thương khí huyết, không nên dùng nhiều (Lôi Công Bào Chích Luận).

Lưu ý khi dùng Bạch Chỉ

  • “Đương quy làm sứ cho nó, ghét Tuyền phúc hoa” (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
  • “Bạch Chỉ ghét vị Tuyền phúc hoa – Mọi chứng lở ngứa dùng vị Bạch Chỉ làm tá vì Bạch Chỉ có tác dụng khu phong, hút được mủ ướt” (Dược Phẩm Vậng Yếu).
  • “Bạch Chỉ và Giới Bạch đều là thuốc thông khí, giảm đau, nhưng Giới Bạch khí đục cho nên vào trong, chữa ngực đau, tê; Bạch Chỉ khí trong cho nên đi ra ngoài, trị đau vùng xương lông mày – Bạch Chỉ vị cay, tính ấm, nói chung dùng để táo hàn thấp mà tán phong nhưng có khi dùng để trị chứng phong nhiệt, vì vậy, cho thêm vào thuốc thanh tiết để làm nhiệm vụ ‘Phản tá’. Đó là dựa vào ý hỏa uất thì cho phát, kết thì cho tán” (Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • “Bạch Chỉ và Kinh giới đều là vị thuốc có vị cay, tính ấm, dùng để giải biểu. Không phải chỉ có vào khí phận mà còn vào huyết phận, đều có tác dụng phát tán phong hàn, xử lý huyết, có tác dụng tiêu thủng. Nhưng Bạch Chỉ vị cay, thơm, tính ôn, táo, chủ yếu vào kinh dương minh, tán hàn mạnh và có khả năng thông mũi, táo thấp, hoạt huyết, trừ mủ. Kinh giới vị cay tính ấm nhưng không táo, chủ trị Can kinh, khu phong mạnh, trị được chứng co giật, làm sáng mắt, lợi hầu” (Trung Dược Lâm Sàng Giám Dụng Chỉ Mê).
  • “Xưa ở Lâm Xuyên có người bị rắn độc cắn, hôn mê, cánh tay sưng to bằng đùi chân, một lát thì khắp người sưng phù, mầu đen tím bầm. May gặp một đạo nhân dùng bột Bạch Chỉ hòa với nước mới múc lên mà đổ cho uống rồi thấy trong rốn máy động, miệng ói ra nước vàng tanh hôi ghê gớm, ít lâu sau thì tự nhiên tiêu tan. Về sau dùng bài Mạch Môn Đông Thang mà điều dưỡng nhưng cũng phải dùng bột Bạch Chỉ thì xát hoài. Lại một chuyện ở Kinh sơn tự, có tu sĩ bị rắn độc cắn vào chân, sau đó vỡ ra, hôi thối, đã dùng nhiều thuốc mà không khỏi. May gặp một tu sĩ đến chơi, dùng nước mới múc lên mà rửa luôn, sạch hết thịt thối, đến nỗi lòi cả gân trắng ra. Sau đó rót nước nhiều vào rồi để cho khô, dùng bột Bạch Chỉ cùng với Đởm phàn và Xạ hương một ít, rắc thấm vào thì nước độc chảy ra, hàng ngày cứ làm như thế, được một tháng thì khỏi” (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
  • “Ông Trương Sơn Lôi nói rằng: Bạch Chỉ vị cay, tính ấm, thơm tho và mạnh mẽ, tính ráo, đặc biệt là nó sơ phong tán hàn. Nó có thể đi lên đầu, mắt. Tính nó cũng hay táo thấp, thăng dương, đi khắp mọi chỗ ở da thịt. Công hiệu của Bạch Chỉ cũng gần giống như Xuyên khung, Cảo bản” (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Tổng hợp từ: Thaythuoccuaban.com

Ứng dụng dược liệu

  1. Trị đầu phong: Bạch Chỉ, Bạc hà, Mang tiêu, Thạch cao, Uất kim. Tán bột, mỗi lần dùng 1 ít, thổi vào mũi ( Bạch Chỉ Tán – Lan Thất Bí Tàng).
  2. Trị đầu đau, mắt đau: Bạch Chỉ 16g, Ô đầu (sống) 4g. Tán bột, mỗi lần dùng 1 ít uống với nước trà (Bạch Chỉ Tán – Chu Thị Tập Nghiệm Phương).
  3. Trị các chứng phong, chóng mặt, sản hậu sinh xong bị cảm do phong tà, tinh thần không tỉnh: Hương Bạch Chỉ (dùng nước nấu sôi 4-5 dạo), tán bột, trộn mật làm hoàn, to bằng viên đạn. Mỗi lần uống 1 hoàn (Đô Lương Hoàn – Bách Nhất Tuyển Phương).
  4. Trị chứng trường phong: Hương Bạch Chỉ, tán bột, uống với nước cơm (Bách Nhất Tuyển Phương).
  5. Trị nửa đầu đau: Bạch Chỉ, Tế tân, Thạch cao, Nhũ hương, Một dược (bỏ dầu), lượng bằng nhau. Tán nhuyễn, thổi vào mũi. Đau bên trái thổi bên phải và ngược lại (Bạch Chỉ Tế Tân Suy Tỵ Tán – Chủng Phúc Đường Công Tuyển Lương Phương).
  6. Trị mi mắt đau do phong, nhiệt hoặc đờm: Bạch Chỉ, tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước trà (Đan Khê Tâm Pháp).
  7. Trị mũi chảy nước trong: Bạch Chỉ, tán bột. Dùng Hành gĩa nát, trộn thuốc làm hoàn 4g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8-12g với nước trà nóng (Bạch Chỉ Tán – Chứng Trị Chuẩn Thằng).
  8. Trị xoang mũi: Bạch Chỉ, Phòng phong, Tân di mỗi thứ 3,2g, Thương nhĩ tử 4,8g, Xuyên khung 2g, Tế tân 2,8g, Cam thảo 1,2g, hòa với nước bôi chung quanh rốn. Kiêng thịt bò (Dương Y Đại Toàn).
  9. Trị thương hàn cảm cúm: Bạch Chỉ 40g, Cam thảo (sống) 20g, Gừng 3 lát, Hành 3 củ, Táo 1 trái, Đậu xị 50 hột, nước 2 chén, sắc uống cho ra mồ hôi (Vệ Sinh Gia Bảo Phương).
  10. Trị trẻ nhỏ bị sốt: Bạch Chỉ, nấu lấy nước tắm cho ra mồ hôi (Tử Mẫu Bí Lục Phương).
  11. Trị bạch đới, ruột có mủ máu, tiểu đục, bụng và rốn lạnh đau: Bạch Chỉ 40g, Đơn diệp hồng la quỳ căn 80g, Thược dược căn, Bạch phàn, mỗi thứ 20g. Tán bột. Trộn với sáp làm hoàn to bằng hạt Ngô đồng. Uống mỗi lần 10-15 hoàn với nước cơm, lúc đói (Bản Thảo Hối Nghĩa).
  12. Trị các loại phong ở đầu, mặt: Bạch Chỉ, xắt lát, lấy nước Củ cải tẩm vào, phơi khô, tán bột. Ngày uống 8g với nước sôi hoặc thổi vào mũi (Trực Chỉ Phương).
  13. Trị trĩ ra máu: Bạch Chỉ, tán bột. Mỗi lần uống 4g với nước cơm, ngoài ra sắc thuốc lấy nước xông và rửa hậu môn (Trực Chỉ Phương).
  14. Trị trĩ sưng lở loét: Trước hết, lấy Tạo giác đốt, hun khói, sau đó lấy mật vịt trộn với bột Bạch Chỉ, bôi (Y Phương Trích Yếu).
  15. Trị chính giữa đầu đau (đã dùng nhiều thuốc nhưng không khỏi, dùng bài này có hiệu quả): Bạch Chỉ (sao) 100g, Xuyên khung (sao), Cam thảo (sao), Xuyên ô đầu (nửa sống nửa chín), mỗi vị 40g. Tán bột, mỗi lần dùng 4g với nước sắc Bạc hà, Tế tân (Đàm Dã Ông Thí Hiệu Phương).
  16. Trị 2 đầu lông mày đau do phong, nhiệt, đờm: Bạch Chỉ, Hoàng cầm (sao rượu), lượng bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước trà (Đan Khê Tâm pháp).
  17. Trị răng đau do phong nhiệt: Bạch Chỉ 4g, Chu sa 2g. Tán bột, trộn mật làm viên to bằng hạt súng. Hàng ngày dùng sát vào chân răng (Y Lâm Tập Yếu Phương).
  18. Trị răng đau do phong nhiệt: Bạch Chỉ, Ngô thù, lượng bằng nhau, hòa với nước, ngậm (Y Lâm Tập Yếu Phương).
  19. Trị các bệnh ở mắt: Bạch Chỉ, Hùng hoàng, tán nhuyễn, trộn mật làm viên to bằng hạt nhãn, dùng Chu sa bọc ngoài. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 hạt (Hoàn Tinh Hoàn – Phổ Tế Phương).
  20. Trị tiểu khó do khí (Khí lâm): Bạch Chỉ, tẩm giấm, phơi khô, 80g, tán nhuyễn. Mỗi lần uống 8g với nước sắc Mộc thông và Cam thảo (Phổ Tế Phương).
  21. Trị mắc (hóc) xương: Bạch Chỉ, Bán hạ, lượng bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 8g thì sẽ ói xương ra (Phổ Tế Phương).
  22. Trị chân răng thối: Bạch Chỉ 28g, tán nhỏ. Mỗi lần dùng 4g, sau khi ăn (Bách Nhất Tuyển Phương). Hoặc Bạch Chỉ, Xuyên khung, 2 vị bằng nhau, tán bột, làm viên to bằng hạt súng, ngậm hàng ngày (Tế Sinh Phương).
  23. Trị mồ hôi trộm: Bạch Chỉ 40g, Thần sa 20g. Tán bột, ngày uống 8g với rượu nóng (Chu Thị Tập Nghiệm Phương).
  24. Trị ống chân đau: Bạch Chỉ, Bạch giới tử, lượng bằng nhau, trộn nước Gừng, đắp vào(Y Phương Trích Yếu Phương).
  25. Trị bạch đới: Bạch Chỉ 160g, Thạch hôi 640g. Ngâm 3 đêm, bỏ vôi đi, lấy Bạch Chỉ xắt lát, sao, tán bột. Mỗi lần uống 8g với rượu, ngày 2 lần (Y Học Tập Thành Phương).
  26. Trị táo bón do phong độc: Bạch Chỉ, tán bột, mỗi lần uống 8g với nước cơm trộn với ít Mật ong (Thập Tiện Lương Phương).
  27. Trị cháy máu cam không cầm: Lấy huyết chảy ra đó, trộn với bột Bạch Chỉ, đắp vào sơn căn (Giản Tiện Phương).
  28. Trị thủng độc, nhiệt thống: Bạch Chỉ, tán nhỏ, hòa dấm bôi (Vệ Sinh Giản Dị Phương).
  29. Trị tiêu ra máu do phong độc trong ruột: Bạch Chỉ, tán bột. Mỗi lần uống 4g với nước cơm, rất thần hiệu (Dư Cư Sĩ Tuyển Kỳ Phương).
  30. Trị đinh nhọt mới phát: Bạch Chỉ 4g, Gừng sống 40g, rượu 1 chén, gĩa nát thuốc, uống nóng cho ra mồ hôi (Tụ Trân Phương).
  31. Trị ung nhọt trong ruột, đới hạ ra chất tanh nhớp luôn luôn: Bạch Chỉ 40g, Hồng quỳ 80g, Khô phàn, Bạch thược đều 20g. Tán bột, uống với nước cơm, lúc đói. Khi hết mủ, dùng lá Sen để bổ. Khi ung nhọt đã bớt thì giảm liều dùng (Dược Phẩm Vậng Yếu).
  32. Trị ung nhọt sưng đỏ: Bạch Chỉ, Đại hoàng, lượng bằng nhau, mỗi lần uống 8g với nước cơm (Kinh Nghiệm Phương).
  33. Trị vết thương do dao chém, tên bắn: Bạch Chỉ, nhai nát, đắp (Tập Giản Phương).
  34. Giải độc Từ thạch: Bạch Chỉ, nghiền nát, uống 8g với nước giếng (Sự Lâm Quảng Ký Phương).
  35. Trị trẻ nhỏ bị đơn độc, độc còn lại chạy quanh, nhập vào bụng thì nguy: Bạch Chỉ, Hàn thủy thạch, tán bột, trộn nước hành, dán vào chỗ đau (Toàn Ấu Tâm Giám Phương).
  36. Trị tiểu ra máu: Bạch Chỉ, Đương quy, lượng bằng nhau. Mỗi lần uống 8g (Kinh Nghiệm Phương)
  37. Trị bệnh âm thử, xích thủng: Bạch Chỉ, Đại hoàng, lượng bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần uống6g với nước cơm ( Kinh Nghiệm Phương).
  38. Trị ung nhọt sưng tấy, tuyến vú viêm, rắn cắn: Bạch Chỉ, Bối mẫu, Liên kiều, Qua lâu, Tử hoa địa đinh, mỗi thứ 12g, Bồ công anh, Kim ngân hoa mỗi thứ 16g, Cam thảo 4g, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  39. Trị rắn độc hoặc rết cắn: Bạch Chỉ, Hùng hoàng, Nhũ hương, lượng bằng nhau, uống với rượu ấm (Bạch Chỉ Hộ Tâm Tán – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  40. Trị bạch đới: Bạch Chỉ, Mai mực, lượng bằng nhau, tán nhuyễn. Mỗi lần uống 12g (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  41. Trị cảm, đầu đau (đau trước trán nhiều): Bạch Chỉ 12g, Xuyên khung 4g, Phòng phong 12g, Khương hoạt 8g, Hoàng cầm 8g, Sài hồ 8g, Kinh giới 8g, Cam thảo 4g, sắc nước uống (Khu Phong Thanh Thượng Ẩm – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)..
  42. Trị lở sơn: Bạch Chỉ mài với rượu hoặc dấm bôi (Dược Liệu Việt Nam).
  43. Trị miệng hôi: Bạch Chỉ 30g, Xuyên khung 30g. Tán bột, trộn mật làm viên, to bằng hạt ngô, ngày ngậm 2-3 viên (Dược Liệu Việt Nam).