- Mô tả cây
- Cây Vừng là một loại cỏ nhỏ, thân có nhiều lông, cao chừng 0,6m, sống hằng năm. Lá mọc đối, đơn, không có lá kèm, nguyên, có cuống.
- Hoa trắng mọc đơn độc ở kẽ lá, lưỡng tính, không đều, có cuống ngắn. Đài hơi hợp ở gốc. Tràng hình ống loe ra thành hai môi, môi dưới gồm 3 thùy, môi trên 2 thùy, 4 nhị, 2 to, 2 nhỏ, 2 lá noãn, đầu nhụy có 2 núm, bầu có vách giả chia thành 4 ổ, mỗi ô chứa một dãy dọc nhiều noãn. Quả nang dài, 4 ô mở thành 4 mảnh. Nhiều hạt nhỏ màu vàng hay nâu đen. Lá mầm chứa nhiều dầu.
- Phân bố, thu hái và chế biến
- Vừng được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy hạt ăn và để xuất khẩu. Ngoài ra những nước khác như Campuchia, Lào, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Tiểu Á, miền nam Liên xô cũ, Rumani Hy Lạp đều có. Trước cách mạng Tháng Tám, hàng năm toàn nước ta sản xuất chừng 1.200-1.300 tấn, nhiều nhất ở các tỉnh vùng Trung Bộ.
- Vào các tháng 7,8, 9 người ta cắt toàn cây về phơi khô đập lấy hạt, phơi khô, loại bỏ tạp chất là được.
- Vừng đen hay vàng đều dùng làm thuốc được, nhưng thường chỉ hay dùng Vừng đen. Còn dầu thì ép từ Vừng đen hay vàng đều dùng được.
- Muốn phát hiện có dầu Vừng trong một hỗn hợp dầu hay muốn xem một chất dầu có phải là dầu Vừng hay không, người ta thường tiến hành phản ứng Baudouin như sau: Lấy 2ml dầu, thêm lml dùng dịch 1% (theo thể tích) axit clohydric có pha fucfurol, để yên 5 phút, nếu thấy xuất hiện màu đỏ là có dầu vùng. Phản ứng này giúp ta phát hiện chừng 0,5-5% dầu Vừng trong hỗn hợp, màu đỏ do sesamol tác dụng trên fucfurol.
- Thành phần hóa học
- Trong hạt Vừng có từ 40-55% dầu, có khi lên tới 60%. Ngoài ra còn chừng 5-6% nước, 20- 22% chất protein, 5% trong đó có: 1,7mg đồng, 1% canxi oxalat, 6,3-8,8% chất không có nitơ, pentozan, lexitin, phytin và cholin.
- Dầu Vừng chứa khoảng 12-16% axit đặc (7,7% axit panmitic, 4,6% axit stearic, 0,4% axit arachidic), 75-80% axit lỏng (trong đó có 48% axit oleic, 30% axit linolic và, 0,04% axit lignoxeric). Phần không xà phòng hóa được chiếm 0,9-1,7% và chừng 1% lexitin.
- Trong dầu Vừng Villelavecchia và Fabris còn phân tích được chất sesamin C20H18O6 với tỷ lệ chừng 0,25-1%. Ngoài ra còn chừng 0,1% chất sesamol là một phenol có công thức C7H6O3.
- Tác dụng dược lý
- Dầu Vừng bôi lên niêm mạc có tác dụng làm giảm kích thích, chống viêm.
- Có tác dụng giảm lượng cholesterol máu, phòng trị xơ cứng động mạch.
- Dầu Vừng đen có tác dụng nhuận trường.
- Vị thuốc Vừng đen
- Tính vị: vị ngọt, tính bình, không độc.
- Quy kinh: Vào kinh can thận
- Tác dụng:
- Tác dụng bổ ích can thận, dưỡng huyết, khu phong, nhuận tràng, bổ ngũ tạng, tăng khí lực, làm sáng mắt, phát triển bắp thịt, bổ ích tinh tủy.
- Y học dân gian cho rằng nước sắc lá và rễ Vừng đen bôi lên đầu làm tóc mọc tốt và đen hơn.
- Hoa Vừng đen vò nát đắp lên mắt làm dịu sưng đỏ.
- Hạt Vừng được dùng làm nhiều “Món ăn-bài thuốc”
- Liều dùng: 12-40g sắc uống hoặc hoàn tán
- Bài thuốc có vị Vừng đen
- Chữa táo bón: Mỗi buổi sáng, uống 1 chén (nhỏ) dầu mè hoặc ăn một nắm hạt mè là khỏi, hoặc có thể nấu cháo mè ăn cho dễ.
- Chữa viêm đại tràng mãn tính: Mè đen 40g rang bốc mùi thơm và 1 bát mật mía, mỗi lần uống 1 thìa canh Vừng trộn lẫn với 1/3 thìa canh mật, uống ngày 2 lần, uống liên tục trong một tháng.
- Sản phụ thiếu máu, thiếu sữa: Mè đen sao qua, giã nhỏ cho thêm ít muối ăn hàng ngày cho lợi sữa. Ăn chung với cơm hoặc nấu cháo với nếp.
- Chữa rết cắn: Lấy hạt mè nhai nhuyễn đắp vào, chỉ chốc lát là hết sưng đau
- Chữa chứng nôn mửa: Lấy một bát hạt mè, giã nát, thêm ít nước sôi để nguội, ép lấy nước cốt. Khi uống, pha thêm chút muối. Bỏng nước sôi nhẹ: Lấy mè đen giã nát đắp lên chỗ bỏng hoặc thoa một lớp mỏng dầu mè ngay lên vết bỏng sẽ đở ngay.
- Chữa nhũ ung: Phụ nữ sau sinh tuyến sữa bị tắc nghẽn làm vú sưng to, đau nhức (áp-xe vú). Dùng hạt mè tươi nhai nhuyễn rồi đắp lên nơi vú sưng đau vài lần sẽ khỏi.
- Chữa kiết lỵ mới phát: Ăn sống mè đen mỗi ngày 30 g (ăn trong 3 ngày).
- Chữa tóc bạc sớm: Mè đen, táo nhục đồng lượng, sấy khô tán bột, vò thành viên nhỏ mỗi lần uống khoảng 20 viên, ngày hai lần, sáng và tối.
- Dùng mè đen trị chứng rụng tóc: Lấy 1 bát con hạt mè đen sao chín tán nhuyễn cho thêm đường vào nấu uống, tóc sẽ hết rụng và đen mượt.
- Trị chứng đầy bụng: Lấy một bát hạt mè đen, nấu như nấu cháo, khi gần được cho vào ít muối và một miếng vỏ quýt thái nhỏ, múc ra bát để nguội ăn rất hiệu nghiệm.
- Chữa bụng đầy trướng: Nấu 1 chén mè đen thành cháo, thêm ít muối và một miếng vỏ quýt thái nhỏ, múc ra để hơi nguội, húp ăn sẽ khỏi.
- Chữa mụn nhọt lở loét: Lấy 1 muỗng canh mè đen, rang, tán nhỏ, rửa sạch máu mủ trên nhọt bằng nước muối ấm, sau đó đắp bột mè lên vết nhọt vài lần sẽ khỏi.
- Trị thương hàn: Nếu bị chứng thương hàn, da vàng thì lấy hạt mè đen còn tươi giã nát, ép lấy 1 tách dầu cho thêm nửa tách nước và một lòng trắng trứng gà, khuấy đều tất cả rồi uống 1 lần/ngày, uống khoảng 3 – 4 lần là khỏi.
- Trị lang ben trắng: Để trị bệnh lang beng trắng bạn lấy 1 chén nhỏ dầu Vừng hòa với rượu uống mỗi ngày 3 lần, uống liên tục đến khi khỏi. Trong khi uống thuốc kiêng đồ lạnh, sống, thịt gà, thịt lợn, tỏi.
- Trị tai ù: Nếu tự nhiên tai bị hơi ù đi rồi điếc thì lấy dầu mè nhỏ vào tai vài giọt, ngày nhỏ 2 – 3 lần khoảng 1 tuần có hiệu nghiệm.
- Kiêng kỵ: Âm suy, cơ thể khô ráo.
Nguồn: Tracuuduoclieu.vn